Sự thay đổi cơ bản giải phẩu và sinh lý ở cơ quan sinh dục phụ nữ khi mang thai.

Thân tử cung

Trọng lượng: Bình thường nặng 50 – 60g, cuối thai kỳ có thể tử cung nặng đến 1000g. Các yếu tố dẫn đến tăng trọng lượng tử cung:

– Phì đại sợi cơ tử cung: sợi cơ dài thêm tới 40 lần, rộng gấp 3 – 5 lần.

– Tăng sinh các mạch máu và xung huyết.

– Tăng giữ nước ở cơ tử cung.

Hình thể:

– Ba tháng đầu tử cung có hình cầu, cực dưới phình to, có thể sờ thấy qua túi cùng bên âm đạo, đó là dấu hiệu Noble.

– Ba tháng giữa tử cung có hình trứng, cực nhỏ ở dưới,cực to ở trên.

– Ba tháng cuối tử cung có hình dáng phù hợp với tư thế của thai nhi bên trong.

Vị trí

Khi chưa có thai,tử cung nằm trong tiểu khung. Khi mang thai, từ tháng thứ hai trở đi mỗi tháng tử cung lớn lên, trên khớp vệ trung bình mỗi tháng 4cm. Dựa vào tính chất này, người ta có thể tính tuổi thai theo công thức:

Cấu tạo

– Cơ tử cung gồm 3 lớp. Lớp ngoài là lớp cơ dọc, lớp trong là lớp cơ vòng, quan trọng nhất là lớp cơ giữa gọi là lớp cơ đan. Đây là lớp cơ dày nhất, các sợi cơ đan chéo nhau về mọi hướng, trong lớp này có nhiều mạch máu. Ở đoạn dưới không có lớp cơ đan. Sau khi sổ rau, lớp cơ này co chặt lại tạo thành khối an toàn của tử cung để thực hiện cầm máu sinh lý. Bình thường cơ tử cung dày 1cm, khi có thai ở tháng thứ 4 – 5 lớp cơ này dày nhất có thể lên 2,5cm, vào cuối thai kỳ lớp cơ này giảm xuống còn 0,5 – 1 cm.

– Niêm mạc tử cung: khi có thai niêm mạc tử cung biến đổi thành ngoại sản mạc, gồm ba phần: ngoại sản mạc trứng, ngoại sản mạc tử cung và ngoại sản mạc tử cung – rau.

Sinh lý

– Mật độ: khi chưa có thai mật độ tử cung chắc. Dưới tác dụng của các nội tiết tố khi có thai tử cung mềm.

– Khả năng co bóp và co rút: khi có thai tử cung tăng mẫn cảm, dễ bị kích thích và co bóp.

Eo tử cung:

Khi chưa có thai eo tử cung dài 0,5 – 1cm, khi có thai eo tử cung giãn rộng dần, dài và mỏng ra trở thành đoạn dưới, đến cuối giai đoạn một của cuộc chuyển dạ đẻ, đoạn dưới tử cung dài 10cm. Về giải phẫu eo tử cung chỉ có hai lớp cơ, đó là lớp cơ dọc và lớp cơ vòng, không có lớp cơ đan. Do đó đoạn dưới tử cung dễ vỡ nhất khi chuyển dạ và dễ chảy máu khi rau bám thấp. Khi có thai eo tử cung mềm ra, khi khám tưởng như thân tử cung tách rời khỏi phần cổ tử cung, đó là dấu hiệu Hegar.

Cổ tử cung:

Cổ tử cung mềm dần, có màu tím nhạt do tăng tuần hoàn và phù nề toàn bộ cổ tử cung. Ngay sau khi thụ thai, chất nhầy ống cổ tử cung đặc lại và tạo thành nút nhầy bít chặt cổ tử cung. Khi chuyển dạ nút nhầy bong ra và được tống ra ngoài.

Âm hộ, âm đạo:

Có sự tăng sinh mạch máu, xung huyết trong da và cơ của vùng tầng sinh môn và âm hộ, các mô liên kết mềm hơn. Do hiện tượng xung huyết, niêm mạc âm đạo có màu tím nhạt và tăng tiết dịch (dấu hiệu Chadwick).

Độ pH của môi trường âm đạo dao động tử 3,5 – 6

Buồng trứng:

Hoàng thể thai nghén chế tiết progestreon tối đa trong 6 – 7 tuần đầu của thai kỳ, sau đó giảm dần và được thay thế bởi bánh rau.

Do tác dụng của hoàng thể thai nghén các nang noãn không chín, người phụ nữ không hành kinh và không xảy ra hiện tượng phóng noãn. Từ tháng thứ tư trở đi, hoàng thể thai nghén thoái hoá dần và teo đi.

Buồng trứng to lên, phù và xung huyết trong khi có thai.

Vòi trứng:

Có hiện tượng xung huyết và mềm ra.

Bình luận về bài viết này