Vỡ tử cung trong chuyển dạ

Vỡ tử cung trong chuyển dạ được chia làm 2 nhóm:

– Vở tử cung tự nhiên xảy ra không do sự can thiệp thủ thuật.

– Vỡ tử cung do can thiệp bởi các thủ thuật sản khoa như nội xoay thai, lấy đầu hậu trong đỡ đẻ ngôi ngược, đẻ thủ thuật forceps, giác hút và đẩy bụng trong giai đoạn rặn sổ.

Triệu chứng Vỡ tử cung:

Triệu chứng cơ năng:

+ Ở sản phụ đã có dấu hiệu doạ vỡ đột nhiên đau chói, đau nhiều ở chổ vỡ, sau đó dịu đi.

+ Chảy máu: âm đạo có máu tươi chảy ra, số lượng nhiều hoặc ít tuỳ theo vị trí vỡ và có kèm tổn thương mạch máu không.

Triệu chứng thực thể:

+ Nếu mất máu nhiều có tình trạng choáng: màu da nhợt nhạt, niêm mạc mắt trắng bệch, thở nhanh – nông, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ .

+ Nhìn: không còn thấy hình dạng tử cung.

+ Sờ nắn: nếu thai còn trong buồng tử cung thì tử cung vẫn còn hình thể cũ nhưng sờ vào chổ vỡ thai phụ sẽ đau chói, bụng có phản ứng. Nếu thai bị đẩy vào ổ bụng ta sờ thấy các phần của thai lổn nhổn dưới da bụng.

+ Nghe: tim thai không có hoặc có biểu hiện suy thai trong trường hợp nứt sẹo mổ cũ ở đoạn dưới.

+ Khám âm đạo: có máu đỏ tươi chảy ra theo tay, ngôi thai cao, đẩy lên dễ dàng.

+ Thông tiểu: nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ tuỳ theo có vỡ bàng quang hay không.

Chuẩn đoán:

1. Chuẩn đoán xác định:

– Doạ vỡ tử cung: thai phụ đau bụng dữ dội, cơn co dồn dập, có vòng Bandl, dấu hiệu Bandl-Frommel.

– Vỡ tử cung: đã có dấu hiệu doạ vỡ tử cung, thai phụ thấy đau chói, ra máu âm đạo đỏ tươi, có tình trạng choáng tuỳ thuộc vào mức độ mất máu, không còn tim thai, sờ thấy phần thai dưới da bụng.

– Vỡ tử cung sau đẻ, sau thủ thuật: sau đẻ thấy ra máu âm đạo nhiều, bóc nhau nhân tạo và kiểm soát tử cung hoặc kiểm tra cổ tử cung mới phát hiện ra vỡ tử cung.

2. Chuẩn đoán phân biệt:

– Nhau tiền đạo: không có dấu hiệu doạ vỡ, chảy máu ra ngoài là chủ yếu, tim thai có thể mất khi chảy máu nhiều, không đau bụng, khám âm đạo sờ thấy bánh nhau.

– Nhau bong non: có thể có các dấu hiệu của tiền sản giật (protein niệu, phù, huyết áp cao), máu chảy ra âm đạo là máu loãng không đông, tử cung co cứng như gỗ, không nghe thấy tim thai, giảm fibrinogen máu, choáng có thể xảy ra.

Điều trị:

Nguyên tắc điều trị:

– Vỡ tử cung phải mổ cấp cứu, vừa hồi sức vừa mổ.

– Hồi sức chống choáng bằng cách bồi phụ lượng máu đã mất, truyền dịch điện giải.

– Phẫu thuật: quyết định cắt hay bảo tồn tử cung tuỳ thuộc vào:

+ Tình trạng toàn thân của bệnh nhân.

+ Thời gian vỡ.

+ Tình trạng nhiễm khuẩn.

+ Vỡ đơn giản hay phức tạp.

+ Tuổi và số con sống của bệnh nhân.

– Khâu phục hồi tử cung: chỉ khâu lại tử cung khi bệnh nhân còn trẻ, còn nguyện vọng sanh đẻ, vết rách không phức tạp.

– Cắt tử cung: khi bệnh nhân nhiều tuổi, đã đẻ nhiều lần có đủ con, nhiễm khuẩn, vỡ phức tạp.

– Trong và sau mổ dùng kháng sinh liều cao, có thể phối hợp hai loại kháng sinh.

DỰ PHÒNG

Dự phòng có vai trò rất quan trọng để hạ thấp tỷ lệ vở tử cung, tỷ lệ tử vong do vở tử cung.

– Trong thai kỳ: cần khám thai thường xuyên, phát hiện sớm các nguy cơ đẻ khó như khung chậu hẹp, khung chậu méo, có sẹo mổ cũ ở tử cung, thai to, ngôi bất thường…

+ Tuyến xã, tuyến huyện không có khả năng phẫu thật không được quản lý các loại đẻ khó mà phải chuyển lên tuyến trên để quản lý

+ Các thai phụ có sẹo tử cung phải được vào viện trước khi chuyển dạ để theo dõi cẩn thận và chỉ định can thiệp đúng lúc.

– Trong chuyển dạ:

+ Khám phát hiện sớm các nguyên nhân đẻ khó.

+ Sử dụng biểu đồ chuyển dạ để theo dõi, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển dạ đình trệ, doạ vở tử cung để xử trí kịp thời.

+ Sử dụng các thuốc tăng co cần phải đúng chỉ định, đúng liều lượng và theo dõi cận thận.

+ Khi làm thủ thuật đường dưới như nội xoay thai, cắt thai, forceps, giác hút… phải đúng chỉ định và đủ điều kiện. Sau thủ thuật phải kiểm tra sự toàn vẹn của ống đẻ.

+ Cấm đẩy bụng trong giai đoạn rặn sổ thai.